Tai biến mạch máu não – Dấu hiệu nhận biết và cách sơ cứu cơ bản

23/12/2022
Share

Bệnh tai biến mạch máu não, ngày nay rất phổ biến không những xảy ra ở người lớn tuổi mà còn xảy ra ở người trẻ. Bệnh để lại di chứng rất nặng nề làm ảnh hưởng đến cuộc sống, làm cho họ không thể trở lại với công việc trước đó của mình, họ có thể không nói được, không hiểu được, tay không cử động, chân không đi được…

Tai biến mạch máu não là gì?

Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não là bệnh lý bị gây ra bởi tình trạng không thể cung cấp máu cũng như oxy đến não khiến cho não bị mất chức năng một cách đột ngột mang tính chất cấp tính. Bệnh lý diễn ra trong vòng 24 giờ đồng hồ và tai biến mạch máu não nặng có khả năng dẫn đến tử vong trong thời gian này. Theo một số nghiên cứu thì đây là bệnh lý gây tử vong nhiều thứ 2 trên thế giới và Việt Nam, chỉ đứng sau bệnh lý tim mạch

Có hai loại tai biến mạch máu não như sau:

Nhồi máu não

Chiếm 80% tổng số ca bệnh, nguyên nhân do lưu lượng tuần hoàn máu lên não bị hẹp hoặc tắc. Lúc này một phần não sẽ bị ngừng cung cấp máu, càng kéo dài thời gian sẽ khiến khu vực đó bị hoại tử. Khi bệnh nhân bị tai biến do nhồi máu não có thể cấp cứu trong khoảng 4 tiếng từ khi phát bệnh. Tuy nhiên, đưa bệnh nhân đến viện càng sớm càng tốt để hạn chế tổn thương não, giúp giảm đi những nguy cơ để lại di chứng cho cơ thể.

Xuất huyết não

Chỉ chiếm 20% tổng số ca bệnh, tuy nhiên tử lệ tử vong cực kỳ cao, nguyên nhân do máu tràn vào mô và làm tổn thương đến não gây nên tình trạng phù não. Lúc này áp lực các mô xung quanh tăng lên, hậu quả sẽ giết chết các tế bào não và vỡ mạch não. Thời gian “vàng” dùng để cấp cứu bệnh nhân tai biến do xuất huyết não chỉ tính bằng đơn vị phút. Chính vì vậy nguy cơ tử vong trong trường hợp này rất cao nếu không có biện pháp sơ cứu và cấp cứu kịp thời.

Biến chứng nguy hiểm của Tai biến mạch máu não

Nếu như không được cấp cứu kịp thời, người bị Tai biến mạch máu não có nguy cơ:

Tàn tật vĩnh viễn hoặc tạm thời, mức độ phụ thuộc vào khoảng thời gian mà não bị thiếu máu cục bộ và các bộ phận trên cơ thể bị ảnh hưởng do tế bào não bị tổn thương;

Bị tê liệt, mất khả năng vận động một số cơ hoặc một số bộ phận;

Mất khả năng giao tiếp, ngôn ngữ và cử động của miệng, gặp khó khăn khi nói hoặc nuốt.

Suy giảm trí nhớ, nhận thức, khả năng suy nghĩ, khó khăn khi diễn đạt bằng lời;

Ảnh hưởng đến tâm lý, người đã từng trải qua cơn tai biến sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, dễ thu mình và có thể bị trầm cảm.

Các dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não

Hiện nay, để phổ cập các dấu hiệu của tai biến mạch máu não, các chuyên gia y tế lưu ý ghi nhớ “FAST” là viết tắt của: Face (khuôn mặt), Arm (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian) giúp người thân nhận biết dấu hiệu của người bị đột quỵ.

Khuôn mặt:  dấu hiệu dễ nhận thấy là mặt bệnh nhân bị méo, có cảm giác tê, cứng nửa bên mặt hoặc 1/4 mặt dưới. Nếu nghi ngờ, hãy yêu cầu bệnh nhân cười vì méo có thể sẽ rõ hơn.

Tay:  diễn tiến từ từ như tê mỏi một bên tay; vụng về trong những thao tác, công việc quen thuộc; cũng có thể ở chân như đi dễ bị vấp té; bước đi khó khăn hoặc nặng nề hơn bình thường; nhấc chân không lên hoặc dễ bị rơi dép…

Lời nói:  một số người đột quỵ nói khó, nói đớ hoặc môi, lưỡi bị cứng, tê. Có thể yêu cầu bệnh nhân nói chuyện với một vài câu đơn giản một cách mạch lạc. Từ đó, có thể nhận ra việc bệnh nhân nói không rõ, nói chậm hơn bình thường hoặc phải gắng sức khi nói. Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể cảnh báo đột quỵ như nhức đầu nhiều, mất thăng bằng đột ngột, ù tai, điếc đột ngột, khó nuốt, mắt mờ hay chậm hiểu bất thường.

Thời gian:  đột quỵ là bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt “thời gian vàng” cấp cứu trong 3 tiếng đầu sau tai biến mạch máu não. Chỉ trong thời gian này thì việc dùng thuốc trị đột quỵ hay các biện pháp phẫu thuật mới có thể giúp bệnh nhân tránh nguy cơ tử vong và những di chứng khác. Do đó, khi phát hiện những dấu hiệu trên cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Cần làm gì khi phát hiện ra người đang bị tai biến mạch máu não?

Gọi xe cấp cứu ngay lập tức

Tuyệt đối giữ cho bệnh nhân không bị té ngã

Không tự ý điều trị như đánh gió, bấm huyệt, châm cứu, cho bệnh nhân uống thuốc huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào

Theo dõi các biểu hiện của bệnh nhân như co giật, méo miệng, nôn mửa, chóng mặt, mất thăng bằng, loạn trí,…

Để bảo vệ đường thở, nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng và không cho bệnh nhân ăn uống gì.

Những người nằm trong nhóm dễ bị tai biến mạch máu não(đột quỵ)

Thường xuyên bị stress, căng thẳng

Căng thẳng công việc, thường xuyên làm việc trên 55 giờ mỗi tuần làm tăng nguy cơ đột quỵ lên khoảng 33% – theo kết quả nghiên cứu đăng trên Tạp chí y khoa The Lancet (Anh).

Lạm dụng rượu, bia thuốc lá và các chất kích thích khác

Uống nhiều rượu khiến nguy cơ đột quỵ tăng 34% – theo khảo sát vừa công bố trên tạp chí Stroke.

Thường xuyên bị đau đầu, đau nửa đầu

40% trường hợp đột quỵ liên quan trực tiếp đến tình trạng bị đau đầu hoặc đau nửa đầu sau – theo nghiên cứu của trường Đại học Y khoa hoàng gia Luân Đôn (Anh).

Mất ngủ mãn tính, rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, ngủ không sâu giấc)

Những người bị mất ngủ đêm hoặc ngủ dưới 5 tiếng mỗi đêm thì nguy cơ đột quỵ tăng tới 83% so với nhóm người ngủ đủ 7-8 giờ/ngày – theo nghiên cứu của các nhà khoa học ĐH Y khoa Icahn (ISM) tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Cao huyết áp Mỹ.

Bị huyết áp cao, béo phì, tim mạch, tiểu đường

Huyết áp cao tăng nguy cơ đột quỵ lên 4-6 lần. Tiểu đường làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp 3 lần

Trên 50 tuổi

Các nghiên cứu của Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Nhân Dân 115 và Viện Nghiên cứu y – dược học lâm sàng 108 cho thấy đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuổi càng cao nguy cơ đột quỵ càng lớn, từ 50 tuổi trở lên chiếm 83,03% ca đột quỵ.

Cách phòng tránh tai biến mạch máu não

Một chế độ dinh dưỡng khoa học, bao gồm đủ và đúng cách, cung cấp đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp bạn phòng ngừa tai biến mạch máu não hiệu quả. Vì vậy, trong chế độ ăn hằng ngày, bạn cần:

+ Giảm chất béo, giảm cholesterol: Nên dùng dầu thực vật để chế biến thức ăn thay cho dầu/mỡ động vật nhằm giảm lượng cholesterol đi vào máu từ thức ăn hàng ngày, từ đó giúp giảm các nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

+ Bổ sung rau xanh và trái cây mỗi ngày, đặc biệt là bông cải xanh để bổ sung Glucoraphanin – chiết xuất tự nhiên giúp thúc đẩy và duy trì các phản ứng chống oxi hóa, giúp đào thải độc tố trong cơ thể, từ đó giúp tăng sức đề kháng, giảm mệt mỏi, ăn ngủ ngon.

+ Hạn chế ăn thức ăn mặn, gia vị cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn hay các chất kích thích như bia, rượu, cà phê, thuốc lá …

Kết hợp với chế độ dinh dưỡng, bạn cần duy trì lịch tập thể dục tốt cho sức khỏe. Đơn giản nhất là dành thời gian đi bộ, chạy bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần. Ngoài ra, việc tập thể dục còn giúp bạn có tinh thần minh mẫn, sảng khoái, tránh xa stress – nguyên nhân dẫn đến các bệnh tim mạch.

Hãy để lại lời nhắn cho chúng tôi theo thông tin bên dưới

    Vui lòng để lại lời nhắn/câu hỏi tại đây, chúng tôi sẽ trả lời bạn trong vòng 48 giờ (trừ thứ 7, CN và ngày lễ). Cám ơn bạn đã quan tâm đến Mama sữa non!