Khi bị thiếu canxi, trẻ có thể phải đối mặt với những hậu quả nguy hiểm về sức khỏe như: Còi xương, suy dinh dưỡng, rối loạn giấc ngủ, suy yếu hệ miễn dịch,… Vì thế, bố mẹ cần lưu ý bổ sung canxi cho trẻ và không chủ quan khi nhận thấy những dấu hiệu thiếu canxi ở trẻ.
Thiếu canxi ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của trẻ ?
Canxi là khoáng chất quan trọng trong hoạt động sống của con người, chiếm đến 2% trọng lượng cơ thể. Trong đó, 99% tồn tại trong xương, răng và 1% còn lại có trong dịch cơ thể (máu, dịch mô kẽ, dịch nội bào).
Tình trạng thiếu canxi có thể gây ra những vấn đề sức khỏe thể chất và trí tuệ ở trẻ. Cụ thể như sau:
– Còi xương: Canxi là thành phần chính trong cấu trúc của xương. Giai đoạn đầu đời là thời gian để bé có những phát triển mạnh mẽ về khung xương. Vậy nên, nếu không được cấp đủ Canxi, hiện tượng Canxi hóa các đầu sụn và xương non sẽ diễn ra sớm và nhanh hơn bình thường. Hệ quả là khung xương của trẻ không được phát triển tối đa gây ra tình trạng thấp còi, nhỏ con so với các bạn cùng trang lứa.
– Suy dinh dưỡng: Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng: Trong cơ thể, Canxi có vai trò liên kết với một số Enzyme để tham gia vào quá trình phân giải một số loại thực phẩm khi vào cơ thể. Thiếu Canxi cơ thể sẽ không hấp thu được một số loại dinh dưỡng cần thiết làm trẻ có thể bị suy dinh dưỡng.
– Biến dạng xương: Khung xương là nơi tập trung nhiều canxi và có vai trò nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Do đó, nếu cơ thể bị thiếu canxi, nhất là bị thiếu canxi trong giai đoạn khung xương đang phát triển thì sẽ khiến cho khung xương bị yếu hoặc có thể bị biến dạng khi trẻ tập đi, mang đồ vật hoặc đùa nghịch. Đây cũng chính là lý do vì sao những trẻ bị thiếu canxi thường bị chân vòng kiềng, vong, vẹo cột sống,…
– Rối loạn hệ thần kinh, khiến trẻ hay giật mình khi ngủ: Canxi cũng tham gia vào hoạt động dẫn truyền thần kinh của cơ thể. Bởi vậy, thiếu canxi sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng căng thẳng hoặc hưng phấn quá mức ở trẻ.
– Co giật các cơ: Sự co duỗi cơ trong cơ thể xảy ra là do phản ứng trao đổi các ion qua màng tế bào có sự hỗ trợ của Canxi. Vậy nên, khi trẻ không được cung cấp đủ Canxi, các phản ứng này có thể bị rối loạn dẫn đến tình trạng co giật các cơ.
– Hệ miễn dịch suy yếu: Canxi là thành phần đầu tiên phát hiện ra những yếu tố lạ xâm nhập vào cơ thể và thông báo kích hoạt hệ miễn dịch hoạt động để tiêu diệt vi khuẩn. Thiếu Canxi khiến chức năng miễn dịch giảm sút khiến trẻ dễ mắc phải các bệnh theo mùa, dễ ốm vặt.
Những dấu hiệu thiếu canxi ở trẻ mà mẹ cần lưu ý
Những dấu hiệu thiếu canxi ở trẻ phổ biến nhất:
– Trẻ biếng ăn, chán ăn: Khi không được cung cấp đầy đủ canxi, trẻ thường có dấu hiệu ăn không ngon miệng, dẫn đến chán ăn, biếng ăn.
– Khó ngủ, ngủ không ngon giấc, hay khóc và giật mình trong đêm: Khi thấy con thường xuyên bị khó ngủ, ngủ không ngon giấc, hoặc thường xuyên bị giật mình khi ngủ, hay quấy khóc vào ban đêm, mẹ cần lưu ý vì đây rất có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị thiếu canxi. Thiếu canxi có thể gây ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương khiến trẻ thường bị hưng phấn thái quá và gây ra những biểu hiện kể trên.
– Trẻ thường xuyên bị đổ mồ hôi vào ban đêm: Những biểu hiện này rất thường gặp với những trẻ bị thiếu vitamin D và canxi, nhất là ở những trẻ 3 tháng tuổi. Vì thế các bậc cha mẹ không nên chủ quan với tình trạng trẻ bị ra mồ hôi nhiều vào ban đêm ngay cả khi trời không quá nóng.
– Trẻ biết đi muộn hơn và có biểu hiện biến dạng xương khớp: Nếu bé chậm biết bò biết đi so với bạn bè cùng trang lứa hoặc có dấu hiệu biến dạng xương khớp, nhất là ở vùng chân thì rất có thể là do bé bị thiếu canxi.
– Răng mọc chậm hay bị sâu răng: Như đã nói ở phía trên, canxi chính là thành phần chính cấu tạo nên xương và răng của chúng ta. Vì thế, khi thiếu canxi thì sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định với các bộ phận này, chẳng hạn như tình trạng mọc răng chậm hơn, răng mọc lệch, răng yếu, dễ bị sâu răng,…
– Hay đau nhức chân, bị chuột rút: Đây là dấu hiệu thiếu canxi ở trẻ mà bố mẹ có thể dễ dàng nhận biết nhất. Vì khi thiếu canxi, xương của bé sẽ bị yếu và ảnh hưởng đến khả năng nâng đỡ cơ thể của khung xương. Bởi vậy, trẻ thường có biểu hiện đau nhức chân. Nếu bé phải mang vác vật nặng thì biểu hiện đau nhức chân sẽ càng rõ rệt hơn. Bên cạnh đó, trẻ bị chuột rút cũng chính là dấu hiệu của tình trạng thiếu canxi.
– Rụng tóc hình vành khăn hay “dấu hiệu chiếu liếm”: Trẻ em, đặc biệt là những đối tượng trẻ dưới 2 tuổi thường bị rụng tóc phía sau gáy hay còn gọi là tình trạng rụng tóc hình vành khăn do thiếu canxi và vitamin D.
– Trẻ nhận thức chậm: Thiếu canxi cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Thông thường, khi bị thiếu canxi trẻ dễ bị rối loạn tâm lý, nhận thức chậm, khó khăn khi phải thích nghi với những sự vật, sự việc xung quanh mình.
– Trẻ bị nấc cụt, ọc sữa: Thiếu canxi cũng là một trong những nguyên nhân khiến thanh quản của trẻ bị co thắt nhiều hơn và gây ra tình trạng nấc cụt, ọc sữa. Nghiêm trọng hơn, có thể dẫn tới suy tim, ngưng thở,…
– Thóp liền quá muộn: Thóp chính là phần mềm có vị trí ở giữa xương sọ và nằm ở bên trái của trẻ. Trong khoảng từ 12 đến 18 tháng, vị trí này sẽ được khép lại. Nhưng ở những trẻ thiếu canxi thì thóp sẽ liền lại muộn hơn.
Như vậy có thể nói rằng canxi rất quan trọng đối với trẻ em, đặc biệt cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Càng lớn thì nhu cầu canxi của trẻ sẽ càng tăng lên. Khi nhận thấy dấu hiệu thiếu canxi ở trẻ, mẹ cần bổ sung thêm canxi và vitamin D cho trẻ. Tuy nhiên không nên tự ý bổ sung mà cần đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn và chỉ định về liều lượng canxi cần bổ sung để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho con.
Mẹ cũng có thể cho bé tắm nắng để bổ sung vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn. Đối với những bé đã bước sang thời kỳ ăn dặm, mẹ có thể bổ sung những thực phẩm có chứa nhiều vitamin D trong chế độ ăn của bé.