Các giai đoạn phát triển chiều cao của trẻ bố mẹ nên biết

09/12/2022
Share

Có bốn giai đoạn chính phát triển chiều cao ở trẻ, bố mẹ nên biết để hỗ trợ con phát triển chiều cao một cách tối đa.

Giai đoạn 1000 ngày đầu đời

1000 ngày đầu đời được tính từ khi trẻ được mang thai cho đến 24 tháng tuổi. Đây chính là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất, đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. 1000 ngày đầu đời là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng phát triển chiều cao của trẻ trong tương lai.

Giai đoạn bào thai

Bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ, hệ thống xương của em bé đã được hình thành và phát triển nhanh chóng. Thời điểm này, trẻ cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là canxi để xương phát triển chiều cao.

Do đó, trong thai kỳ, đặc biệt sau tháng thứ 4, mẹ bầu cần ăn nhiều thực phẩm giàu canxi để đáp ứng nhu cầu canxi cần thiết của cơ thể cũng như giúp trẻ đạt chiều cao tối đa khi chào đời, tạo tiền đề cho sự phát triển chiều cao của trẻ trong tương lai.

Mẹ bầu nếu có chế độ ăn uống cân bằng, tinh thần tốt, nghỉ ngơi hợp lý, cân nặng tăng 10-12 kg theo khuyến cáo của Bộ Y tế, em bé sinh ra có thể đạt chiều cao chuẩn > 50 cm.

Giai đoạn 0-2 tuổi

Khi trẻ dưới 12 tháng tuổi là thời điểm tốc độ phát triển nhanh nhất so với mọi giai đoạn khác. Lúc này trẻ có cân nặng gấp đôi cân nặng của trẻ sơ sinh trong vòng 4-5 tháng đầu và cân nặng cuối năm thứ nhất sẽ gấp 3 lần cân nặng sơ sinh.

Theo nghiên cứu giai đoạn từ 12-24 tháng tuổi trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng cao nhất và tỷ lệ suy dinh dưỡng giữ ở mức cao cho tới 5 tuổi.

Từ 12-24 tháng tuổi cũng là giai đoạn chuyển sang chế độ ăn dặm nên rất có thể trẻ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ cả về chiều cao và trí tuệ.

Giai đoạn từ 12-24 tháng tuổi, nếu được nuôi dưỡng tốt, trẻ sẽ tăng thêm 25 cm trong 12 tháng đầu và 10 cm trong năm tiếp theo.

Giai đoạn 3 -13 tuổi

Sau 2 tuổi tốc độ tăng trưởng của trẻ sẽ giảm, chiều cao của trẻ sẽ tăng 5 – 8 cm trong 1 năm cho đến khi dậy thì, trung bình khoảng 6,2 cm mỗi năm. Mật độ xương cũng tăng lên khoảng 1% một năm. Đây là giai đoạn phát triển chiều cao của trẻ ổn định nhất.

Việc tạo cho trẻ một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học cũng sẽ tạo bàn đạp cho sự phát triển tốt nhất trong giai đoạn dậy thì sau đó của con.

Giai đoạn dậy thì

Ở bé nam giai đoạn này bắt đầu từ 11 – 18 tuổi, còn với bé nữ thì thường từ 10 – 16 tuổi. Thời kỳ này có sự khác nhau về độ tuổi phát triển chiều cao ở bé trai và bé gái.

Cụ thể, trẻ phát triển chiều cao tốt nhất ở 10-16 tuổi đối với nữ và 12-18 tuổi đối với nam. Đây được xem là 1 giai đoạn vàng cuối cùng để phát triển chiều cao của trẻ.

Nếu được chăm sóc tốt, trẻ có thể tăng 8 – 12cm mỗi năm cho đến năm 20 tuổi. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, luyện tập khác nhau của từng trẻ.

Giai đoạn sau dậy thì

Sau tuổi dậy thì thường chiều cao của trẻ vẫn sẽ tăng nhưng không đáng kể và tăng rất chậm. Chiều cao của trẻ lúc 10 tuổi sẽ quyết định 80% chiều cao khi trưởng thành. Vì vậy bố mẹ đặc biệt nên chú trọng khẩu phần ăn của trẻ trong giai đoạn dậy thì để chiều cao được phát triển tối ưu nhất.

Các giai đoạn phát triển chiều cao của trẻ bố mẹ cần lưu ý gì?

Những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của con người bao gồm: Chế độ dinh dưỡng (32%), di truyền (23%), rèn luyện thân thể (20%), còn lại là môi trường sống, bệnh tật, ngủ nghỉ.

Dựa vào những yếu tố trên các bậc cha mẹ cần chú ý các vấn đề sau trong quá trình phát triển chiều cao của trẻ:

Bổ sung dinh dưỡng hợp lý

Có thể nói, dinh dưỡng đóng vai trò gần như quyết định đến sự phát triển chiều cao và thể chất của trẻ. Bố mẹ cần phải xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp theo nhu cầu phát triển của trẻ theo từng giai đoạn khác nhau để giúp con tăng chiều cao tối đa.

Những chú ý mà bố mẹ không nên bỏ qua về yếu tố dinh dưỡng đối với quá trình tăng chiều cao của trẻ:

+ Ngay trong giai đoạn bào thai, mẹ cần bổ sung Canxi để giúp thai nhi phát triển tốt nhất.

+ Trong 6 tháng đầu đời nên cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ vì đây là nguồn dưỡng chất quan trọng đối với sự phát triển chiều cao của bé.

+ Khi bắt đầu cho bé ăn dặm cần chú ý bổ sung đầy đủ chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng.

Thông thường, các loại thực phẩm giúp hỗ trợ phát triển chiều cao mà bố mẹ nên ưu tiên trong khẩu phần ăn là nhóm giàu canxi, magie, photpho, vitamin D,… Đây đều là nhóm thực phẩm tốt cho hệ xương khớp của cơ thể.

Nhắc nhở con ngủ đúng giờ và đủ giấc

Một giấc ngủ ngon và sâu giúp cơ thể tiết ra hormone tăng trưởng, thúc đẩy các quá trình trao đổi chất, tăng cường hấp thụ canxi đến xương. Tùy vào từng giai đoạn mà số giờ ngủ có sự chênh lệch. Tuy nhiên, trung bình trẻ cần ngủ ít nhất 8 tiếng/ngày và ngủ trước 22 giờ.

Bố mẹ cũng cần chú ý đến không gian ngủ của bé để giúp con có một giấc ngủ trọn vẹn. Phòng ngủ cần thoáng mát, rộng rãi, sạch sẽ, không gian yên tĩnh. Em bé nhà bạn sẽ lớn lên sau mỗi giấc ngủ ngon.

Chế độ rèn luyện thể chất thích hợp theo từng giai đoạn phát triển

Rèn luyện thân thể cũng là một trong những yếu tố có tầm quan trọng không kém dinh dưỡng để trẻ tăng trưởng chiều cao tốt nhất. Quá trình luyện tập, vận động sẽ kích thích cơ bắp, đẩy nhanh sự chuyển hóa năng lượng và trao đổi chất trong cơ thể. Điều này có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng và tăng lượng canxi đến xương giúp hệ xương khớp phát triển tốt và vững chắc hơn.

Để hình thành thói quen rèn luyện thân thể thì bố mẹ nên tập cho bé vận động ngay từ nhỏ với những bài thể dục vừa sức, nhẹ nhàng, thích hợp với độ tuổi của trẻ.

Môi trường phát triển của trẻ

Trẻ được sống trong một gia đình có bố mẹ yêu thương, quan tâm, luôn được chăm sóc một cách toàn diện từ chế độ dinh dưỡng đến các hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi sẽ có những tác động tích cực đến sự tăng trưởng chiều cao.

Ngoài ra, điều kiện kinh tế của gia đình cũng gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Một gia đình với điều kiện kinh tế thấp sẽ có những bữa ăn thiếu dưỡng chất. Điều này khiến trẻ khó có cơ hội đạt chiều cao lý tưởng.

Ngoài ra, môi trường sống xung quanh trẻ bị ô nhiễm, thực phẩm và nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo cũng gây tác động tiêu cực đến sự phát triển chiều cao của trẻ.

Đời sống tinh thần

Một trong những câu trả lời cho câu hỏi: “Các giai đoạn phát triển chiều cao của trẻ cần lưu ý gì?” là đời sống tinh thần của trẻ. Nhiều người cho rằng trẻ em vô âu vô lo nhưng thật ra có rất nhiều trường hợp trẻ bị stress gây ảnh hưởng đến quá trình lớn lên.

Trẻ có thể bị stress do áp lực từ bố mẹ về vấn đề học tập hoặc sống trong gia đình thiếu tình thương, cha mẹ thường xuyên cãi nhau,… Căng thẳng kéo dài sẽ tác động xấu đến quá trình lưu thông máu, suy giảm hệ miễn dịch, rối loạn hormone tuyến giáp và tăng trưởng chậm.

Hãy để lại lời nhắn cho chúng tôi theo thông tin bên dưới

    Vui lòng để lại lời nhắn/câu hỏi tại đây, chúng tôi sẽ trả lời bạn trong vòng 48 giờ (trừ thứ 7, CN và ngày lễ). Cám ơn bạn đã quan tâm đến Mama sữa non!