Đau cột sống lưng là triệu chứng tưởng chừng chỉ gặp ở người lớn tuổi, thế nhưng trên thực tế, tỉ lệ người trẻ tuổi gặp tình trạng này cũng ngày càng nhiều. Đau cột sống thắt lưng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân và để điều trị dứt điểm thì cần phải xác định được đúng nguyên nhân gây đau.
Đau cột sống lưng là gì?
Đau cột sống lưng là một chứng bệnh phổ biến ở người có tuổi và đang có xu hướng trẻ hóa dần. Đây là căn bệnh mãn tính xảy ra khi đĩa đệm và khớp bị thoái hoá, gai xương phát triển lên trên đốt của cột sống. Điều này dẫn đến các cơn đau và hạn chế vận động do các dây thần kinh và các chức năng khác bị ảnh hưởng.
Theo thống kê, có đến khoảng 80% trường hợp bị bệnh đau cột sống lưng không rõ nguyên nhân. So với nam giới, nữ giới có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn. Ngoài ra, đau lưng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, vì vậy nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra tổn thương cho hệ thống xương khớp, cột sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Nguyên nhân gây đau cột sống thắt lưng
Lưng là một cấu trúc phức tạp, được cấu thành bởi xương, cơ, khớp và dây thần kinh. Vì vậy, rất khó để xác định chính xác nguyên nhân đau lưng nếu không tiến hành kiểm tra y khoa cụ thể. Do đó, nguyên nhân của bệnh đau cột sống lưng được chia thành 2 nhóm như sau:
Nguyên nhân bệnh lý
Viêm khớp: Căn bệnh này gây ảnh hưởng đến bất kỳ vị trí nào của lưng, đặc biệt là phần thắt lưng do chịu áp lực nhiều hơn từ trọng lượng cơ thể. Đau lưng dữ dội hoặc âm ỉ, kèm theo sưng khớp, gù lưng, giảm chiều cao là những triệu chứng do viêm khớp mang lại.
Thoái hóa cột sống: Khi tuổi càng cao, cột sống càng mất đi độ cong sinh lý trở nên thẳng đứng, cả cơ thể có khuynh hướng gập cong về phía trước. Ăn uống thiếu dưỡng chất, lao động nặng, tư thế xấu theo thời gian góp phần đẩy nhanh quá trình thoái hóa cột sống thắt lưng. Cơn đau lưng kéo dài từng đợt (khoảng 6 tuần) rồi giảm nhưng lại tái phát tiếp tục nếu người bệnh hoạt động khớp cơ nhiều.
Gai cột sống: Khi thoái hóa cột sống diễn ra trong thời gian dài, sụn bị mất nước, bị canxi hóa, lượng canxi tụ lại ở dây chằng sẽ tạo ra các gai xương ở lưng, gây đau đớn. Ngoài ra, gai xương còn được hình thành sau những chấn thương, va chạm mạnh tạo sức ép lên cột sống.
Thoát vị đĩa đệm: Quá trình lão hóa tự nhiên hoặc khi có một lực mạnh tác động đột ngột, vòng sụn bên ngoài của đĩa đệm bị xơ hoặc rạn nứt, nhân nhầy nhanh chóng thoát ra ngoài thông qua chỗ rách, chui vào cột sống, chèn ép rễ thần kinh, gây đau lưng. Thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, khiến cơn đau vùng thắt lưng diễn ra âm ỉ, cơn đau tăng mỗi khi vận động mạnh.
Giãn dây chằng cột sống thắt lưng: Cơn đau lưng đến đột ngột, đặc biệt là khi cơ thể bị sốc hay nhiễm lạnh. Hơn nữa, cơn đau lưng sẽ đi kèm với tình trạng co cơ xung quanh cột sống.
Ung thư: Trong trường hợp đau lưng dữ dội, nghiêm trọng vào ban đêm, xuất hiện cùng các triệu chứng toàn thân như: sốt, sụt cân nhanh, nhiễm khuẩn… là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh ung thư tủy sống.
Hẹp ống sống: Thoái hóa có thể làm hình thành gai xương từ thân đốt sống. Các gai xương này phát triển trong ống sống và chèn ép tủy sống, gây nên đau cột sống thắt lưng. Thậm chí nếu tình trạng nặng hơn thì người bệnh có thể bị đau kéo dài kèm theo liệt hai chân.
Gù vẹo cột sống: Cột sống bị gù vẹo khiến cơ thể khi đi bị khom về phía trước, lâu dần gây nên các cơn đau lưng và khiến người bệnh mệt mỏi hơn.
Ngoài những bệnh lý trên, đau cột sống lưng còn có thể do các bệnh như phình động mạch, bệnh thận, lao phổi, lao cột sống, bệnh phụ khoa ở các chị em…
Nguyên nhân khác
Bên cạnh các nguyên nhân về bệnh lý thì còn có những nguyên nhân gây đau cột sống lưng khác như:
Thay đổi nội tiết tố, cân nặng: Phụ nữ mang thai hoặc những người béo phì do cân nặng càng tăng sẽ gây áp lực lên cột sống. Đối với phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt hoặc khi mãn kinh cũng thường bị đau lưng.
Chấn thương: Những tai nạn lao động, tai nạn giao thông hay va chạm do chơi thể thao đều làm chấn thương cột sống lưng và gây nên các cơn đau ở vùng lưng.
Làm việc nặng: Mang vác đồ đạc nặng hay lao động chân tay nặng nhọc đều làm tăng áp lực lên cột sống, sau một thời gian thì cột sống sẽ yếu đi và xuất hiện những cơn đau lưng.
Ngồi lâu hoặc ngồi sai tư thế: Việc ngồi một chỗ quá lâu, ngồi không đúng tư thế (như ngồi xổm, khom lưng, vắt chéo chân,…) khiến các dây chằng, đĩa đệm bị chèn ép, khó lưu thông máu và dẫn đến cơn đau cột sống lưng.
Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Ăn uống thiếu chất, lười vận động, sử dụng nhiều chất kích thích, luôn lo lắng hay căng thẳng cũng có thể gây nên các cơn đau lưng.
Cách phòng ngừa đau cột sống lưng
Có nhiều cách đơn giản để giúp cột sống khỏe hơn, ngăn ngừa sự thoái hóa cột sống:
Thường xuyên vận động: Duy trì tập luyện thể thao đều đặn, đặc biệt môn bơi lội hoặc đi bộ, ít nhất 30 phút mỗi ngày. Các bài tập thể dục có tác dụng gia tăng sức mạnh của các nhóm cơ chính, hỗ trợ và tránh các chấn thương vùng cột sống lưng.
Chỉnh sửa đúng tư thế: Tư thế xấu như ngồi có thể gây áp lực lớn lên lưng khiến cơn đau trầm trọng hơn. Để bảo vệ đường cong cột sống tự nhiên, khi ngồi làm việc bạn nên giữ lưng thẳng, đầu gối để cao hơn xương chậu. Cứ sau 1 tiếng ngồi làm, bạn nên đứng lên đi lại xung quanh để giúp các cơ được thư giãn.
Kiểm soát cân nặng, tránh tăng cân quá nhanh: Cân nặng vượt quá mức cho phép sẽ gây ra các căng thẳng ở cột sống, đẩy nhanh tốc độ thoái hóa. Vì vậy, bạn nên thường xuyên theo dõi trọng lượng cơ thể, cân bằng chế độ dinh dưỡng và luyện tập để tránh bị thừa cân, béo phì.
Bổ sung đủ vitamin D, canxi và sử dụng thực phẩm an toàn: Canxi và vitamin D sẽ giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa loãng xương. Bạn có thể tìm thấy Canxi và vitamin D trong các loại thực phẩm tự nhiên như: sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua,… dầu cá, lòng đỏ trứng gà, gan bò,…
Hạn chế những thói quen sinh hoạt không tốt: Chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá, trầm cảm, lo âu, mệt mỏi đều là những điều nên tránh để ngăn ngừa bệnh đau cột sống lưng.
Nhận biết sớm triệu chứng đau cột sống lưng và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh tránh được các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi thấy các cơn đau bất thường, người bệnh nên theo dõi và đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.