Nên thận trọng với stress khi mang thai

12/12/2022
Share

Căng thẳng stress khi mang thai là tình trạng hầu như ai cũng gặp phải, đặc biệt ở những người mang thai lần đầu hoặc mang thai quá sớm. Nếu không có hướng khắc phục sớm, bệnh có thể gây ra nhiều vấn đề trầm trọng hơn cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Nguyên nhân gây ra căng thẳng stress trong thai kỳ?

Có rất nhiều nguyên nhân gây căng thẳng stress khi mang thai, hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp việc điều trị đạt kết quả tốt hơn. Những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này bao gồm:

+ Sự thay đổi đột ngột của các hormone trong cơ thể

+ Mẹ lo lắng về sức khỏe bản thân, về sức khỏe của con, thường không dám ăn uống linh tinh hay hoạt động nhiều dẫn đến những căng thẳng quá mức

+ Áp lực về kinh tế,đặc biệt ở những người làm mẹ đơn thân, có con khi chưa chuẩn bị đủ tiềm lực tài chính

+ Xung đột với gia đình, với chồng, với gia đình chồng

+ Sự thay đổi về ngoại hình, vóc dáng, da dẻ khiến mẹ mất đi nét thu hút như hồi con gái, sinh ra tâm lý tự ti, căng thẳng

+ Mất ngủ khi mang thai do những cơn đau nhức lưng, bụng, tê bì chân tay hành hạ khiến mẹ có chịu, không ngủ được

+ Ăn uống không ngon hay kiêng khem nhiều thứ khiến tâm trạng kém thoải mái

Bất cứ một lời nói hay tác động nào cũng có thể khiến mẹ bầu suy nghĩ nhiều, tâm trạng bức bối khó chịu hơn bình thường bởi việc mang thai khiến họ trở nên vô cùng nhạy cảm. Khi tâm lý không được giải tỏa, luôn thường trực nhiều băn khoăn sẽ dẫn đến căng thẳng stress mệt mỏi.

Những ảnh hưởng của căng thẳng stress khi mang thai

Hầu hết bà bầu nào cũng từng bị stress với các dấu hiệu như dễ cáu gắt, ăn uống kém ngon, mất ngủ, cơ thể xanh xao, thiếu sức sống, rụng tóc nhiều… Những căng thẳng stress này nếu không sớm được giải quyết, sẽ dễ gây ra rất nhiều nguy hiểm cho cả bà bầu và thai nhi. Cụ thể những biến chứng có thể xuất hiện bao gồm:

+ Tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý: stress kéo dài có thể khiến phụ nữ mang thai mắc bệnh trầm cảm hay rối loạn lo âu. So với stress, hai bệnh lý này nguy hiểm hơn rất nhiều và khiến người bệnh thường xuyên có suy nghĩ tự tử, khiến bản thân đau đớn, thậm chí là phá thai.

+ Sức khỏe giảm sút trầm trọng: những căng thẳng stress có thể khiến mẹ mất ngủ, đau tim, đau ngực, xương khớp yếu hơn, gặp các vấn đề về dạ dày.. Càng về những tháng cuối những dấu hiệu này càng biểu hiện rõ ràng hơn

+ Tăng nguy cơ sinh non: những bất thường trong tâm lý có thể làm mẹ sinh non thiếu tháng, con sinh ra có xu hướng nhẹ cân, chậm lớn hơn bình thường.

+ Những ảnh hưởng xấu đến thai nhi: bé chậm phá triển, dễ cáu gắt, có nguy cơ bị tăng động, tự kỷ, khả năng nói cũng chậm hơn so với những trẻ đồng tranh lứa. Những vấn đề trong tâm lý của mẹ hoàn toàn có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của con, vì vậy nếu tình trạng stress của mẹ không được cải thiện sớm khiến con khi sinh ra và trưởng thành cũng dễ có những tâm lý dị dạng, nóng nảy, cáu gắt…

Cách giúp mẹ bầu vượt qua căng thẳng stress

Với những tình trạng stress nhẹ, việc dùng thuốc thường không được khuyến khích vì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi. Tuy nhiên nếu mẹ có dấu hiệu stress nặng, mất ngủ kéo dài thì bác sĩ có thể xem xét chỉ định một số thuốc an thần liều nhẹ để hỗ trợ giấc ngủ. Dù vậy việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng lành mạnh vẫn là biện pháp được bác sĩ khuyến khích nhiều hơn hẳn.

Sự quan tâm từ gia đình người thân

Chỉ cần một chút quan tâm tinh tế từ chồng cũng giúp tinh thần của phụ nữ mang thai tốt hơn rất nhiều. Hãy dành thời gian lắng nghe những mong muốn của vợ mỗi ngày để tâm trạng cô ấy được thoải mái và vui vẻ hơn. Đừng nên cáu gắt hay tạo cảm giác khiến bà bầu cảm thấy bị bỏ rơi, không được quan tâm bởi có thể khiến họ khóc ngay vì tủi thân.

Người chồng cũng có thể chia sẻ và giúp đỡ vợ trong việc làm việc nhà, nấu nướng để thể hiện sự yêu thương. Đừng quên dành những lời có cánh, những từ ngữ yêu thương để cảm ơn và động viên sự cố gắng của bà bầu mỗi ngày. Điều này sẽ khiến họ cảm thấy sự hy sinh của bản thân là đúng đắn, không còn cảm thấy mệt mỏi tủi thân khi nhìn thấy bản thân ngày càng xồ xề, xuống sắc.

Bên cạnh đó gia đình cũng nên tạo cho bà bầu không khí vui vẻ thoải mái, tôn trọng những mong muốn của họ. Trong trường hợp có những xung đột giữa bà bầu và gia đình nhà chồng, nếu không giải quyết được, người chồng cũng nên xem xét đến việc ra ở riêng hoặc đưa vợ về ở nhà ngoại để tâm lý bà bầu được thoải mái, vui vẻ trong suốt thai kỳ.

Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe

Tập thể dục hằng ngày không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe, hỗ trợ máu huyết lưu thông để giảm tình trạng tê bì chân tay mà còn giúp nâng cao tinh thần cho bà bầu. Chỉ cần đi bộ mỗi ngày khoảng 15- 30 phút, hít thở không khí trong lành tự nhiên cũng giúp bà bầu cảm thấy vui vẻ hơn rất nhiều.

Mẹ bầu nếu cảm thấy cơ thể quá đau nhức, không đi lại vận động mạnh được có thể tham khảo luyện tập yoga hay thiền. Đây là hai bộ môn vừa giúp hỗ trợ máu huyết luu thông, cải thiện tâm trạng, giảm đau nhức chân tay đồng thời giúp cho việc phát triển của trẻ đạt mức độ tốt nhất. Luyện tập các bài tập yoga giúp giảm stress căng thẳng đúng cách suốt thời điểm mang thai còn giúp mẹ dễ sinh hơn rất nhiều.

Mẹ bầu nhớ chú ý nên tìm đến các chuyên gia để được hỗ trợ tập yoga đúng cách hơn trong từng thời điểm. Chỉ cần vài bài tập mỗi sáng cũng giúp tinh thần mẹ phấn chấn hơn rất nhiều, giảm tối đa tình trạng căng thẳng stress khi mang thai mà không cần dùng bất cứ loại thuốc nào.

Tham gia các lớp học tâm lý cho bà bầu

Hiện nay tại các thành phố lớn thường có các lớp học tập lý để những bà mẹ có thể chuẩn bị sẵn hàng trang và tâm lý cho việc sinh nở và chăm sóc con cái. Nếu có thời gian bạn có thể cùng chồng tham gia các lớp học này. Tại đây bạn có thể học được việc kiểm soát tâm trí, cách chăm sóc con cái trong từng giai đoạn để tránh những lo lắng suy nghĩ quá mức.

Đồng thời khi được gặp gỡ nhiều người có cùng hoàn cảnh cũng giúp bà bầu tìm được người bầu bạn, có thể sẻ chia những tâm trạng lo lắng nhiều hơn. Việc kết bạn và sẻ chia cũng giúp ích rất nhiều cho tâm trạng của bất cứ ai, bao gồm cả những người căng thẳng do mang thai.

Nếu không có các lớp học này tại địa phương bạn có thể tự học thông qua việc đọc sách hay tham khảo các lớp học online trên mạng. Đôi khi chính những người mẹ, người dì chính là người thầy tuyệt vời nhất mà bạn có thể học hỏi. Vì vậy đừng nên bỏ qua họ nhé.

Massage thư giãn cho bà bầu

Với nhu cầu chăm sóc thai sản và phụ nữ mang thai ngày càng cao, hiện nay cũng có rất nhiều dịch vụ chăm sóc cho bà bầu được ra đời. Bà bầu sẽ được chăm sóc về cả thể chất lẫn tinh thần thông qua các liệu pháp massage thư giãn để toàn thân được thả lỏng. Tình trạng mệt mỏi mất ngủ, tê bì chân tay cũng được giảm đáng kể.

Mẹ bầu có thể sử dụng các dịch vụ cho bà bầu này tại các spa hay các trung tâm dành riêng cho phụ nữ có thai. Nếu khu vực bạn ở không có các dịch vụ này thì có thể tự xoa bóp chân tay, vai gáy, ngâm chân với nước nóng, massage với tinh dầu nóng cũng mang đến tác dụng tốt không kém.

Coi trọng giấc ngủ

Một trong những nguyên nhân gây stress hàng đầu chính là do tình trạng mất ngủ. Khi không ngủ đủ cơ thể không có đủ năng lượng nên rất dễ cáu gắt mệt mỏi, các dưỡng chất cũng không được cung cấp đủ cho thai nhi. Vì vậy, bà bầu không được coi nhẹ vai trò quan trọng của giấc ngủ.

Mỗi người bình thường cần ngủ từ 7-8 tiếng một ngày nhưng với bà bầu cần ngủ nhiều hơn. Hãy đi ngủ trước 11h đêm và cố gắng ngủ vào cả buổi trưa để cơ thể có đủ năng lượng. Khi đi ngủ nên nằm nằm trong tư thế kê cao đầu, chân để giảm tình trạng trào ngược dạ dày giúp một giấc ngủ xuyên suốt hơn. Bên cạnh đó nằm nghiêng sang bên trái cũng là tư thế tuyệt vời để mẹ cảm thấy thoải mái và ngủ ngon hơn.

Mẹ bầu nên tránh sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, hạn chế uống nhiều nước đặc biệt là nước cam vì có thể gây đi tiểu đêm. Dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, có thể đặt thêm một bình xông tinh dầu cũng là biện pháp đơn giản để thanh lọc tâm trạng và có một giấc ngủ tuyệt vời.

Tâm sự với chồng

Mỗi ngày có rất nhiều vấn đề xảy ra với bà bầu, dù là rất nhỏ nhưng cũng có thể kéo tâm trạng của họ xuống dốc.Bên cạnh đó cũng có nhiều người ở cùng gia đình chồng và gặp những khúc mắc trong mối quan hệ dẫn đến kém hòa hợp. Thay vì giữ trong lòng và thể hiện sự tức giận khó chịu ra bên ngoài, bạn hãy chia sẻ tâm sự với chồng.

Chồng chính là người kề cận cùng bạn hằng ngày và cả trên những con đường tương lai, vì vậy hãy thẳng thắn chia sẻ với nhau để luôn có cách giải quyết phù hợp nhất. Hơn nữa khi những bức xúc được nói ra và được xoa dịu, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.

Điều chỉnh dinh dưỡng và sinh hoạt

Với bà bầu, dinh dưỡng và sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Đồng thời đây cũng là những yếu tố quan trọng giúp chất lượng đời sống được nâng cao, hạn chế những áp lực căng thẳng mà mẹ gặp phải. Vì vậy dù có đang gặp stress hay không mẹ cũng cần chú ý đến các vấn đề này nhiều hơn.

Cụ thể, phụ nữ trong kỳ mang thai cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

+ Tăng cường bổ sung các dưỡng chất cần thiết mỗi ngày, đặc biệt la canxi, vitamin nhóm B, Omega3 .. Một số thực phẩm tốt cho sức khỏe và tinh thần bà bầu như sữa, hạnh nhân, các loại cá béo, các nhóm rau có màu xanh đậm

+ Uống đủ nước mỗi ngày, bổ sung các loại nước trái cây vào ban ngày để tinh thần được vui vẻ tỉnh táo, hạn chế uống quá nhiều vào buổi tối

+ Hạn chế bia rượu, thuốc lá và các chất kích thích có hại khác

+ Hạn chế các thực phẩm cay nóng, khô cứng, đồ ăn nhiều dầu mỡ

+ Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ tránh lam hệ tiêu hóa hoạt động quá sức

+ Tránh ăn quá khuya, ăn quá no vào buổi tối, đặc biệt là một bữa tối có quá nhiều dầu mỡ

+ Duy trì thói quen ăn uống đúng giờ, đúng bữa

+ Lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn, giàu dưỡng chất

+ Tránh nằm ngay sau khi ăn mà nên đi lại nhẹ nhàng

+ Đi bộ nhẹ nhàng vài vòng trước khi đi ngủ sẽ giúp mẹ ngủ ngon hơn

Gặp gỡ chuyên gia tâm lý nếu cần thiết

Không phải vấn đề khúc mắc nào nói ra cũng có thể giải quyết, có người không thể nói ra hoặc chẳng tìm được người phù hợp, đủ tin tưởng để chia sẻ nên cứ giữ mãi trong lòng dẫn đến tổn thương, stress, căng thẳng quá độ. Nếu tình trạng cứ kéo dài rất có nguy cơ dẫn đến trầm cảm sau sinh. Vì vậy, khi cảm thấy những biểu hiện này giống với bạn, đừng ngại ngùng hay lo sợ, hãy nhờ đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý để có hướng giải tỏa tâm trạng tốt hơn.

 

Hãy để lại lời nhắn cho chúng tôi theo thông tin bên dưới

    Vui lòng để lại lời nhắn/câu hỏi tại đây, chúng tôi sẽ trả lời bạn trong vòng 48 giờ (trừ thứ 7, CN và ngày lễ). Cám ơn bạn đã quan tâm đến Mama sữa non!