Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ trong những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, không phải người mẹ nào cũng đáp ứng đầy đủ nhu cầu sữa của trẻ. Khi mẹ không thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thì sữa công thức cho bé chính là giải pháp hàng đầu giúp bảo đảm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Ưu điểm của sữa công thức là có thành phần các chất dinh dưỡng gần với sữa mẹ, các chất dinh dưỡng có tỷ lệ cân đối hợp lý, phù hợp với sự hấp thu và chuyển hóa ở bé, ít gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Có một số trường hợp, khi trẻ sử dụng sữa công thức không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng dị ứng, tiêu chảy, táo bón, phân xấu, bú quá ít, không lên cân… thì mẹ cần phải cân nhắc đến việc đổi sữa cho trẻ.
Tuy nhiên, mẹ cũng nên lưu ý là không nên đổi sữa thường xuyên cho trẻ vì mỗi lần thay đổi sữa, cơ thể trẻ cần phải có một thời gian để thích ứng với sữa mới, nhằm có sự tiêu hoá hấp thu tốt nhất. Mỗi loại sữa sẽ tạo ra một hệ vi sinh đường ruột khác nhau. Khi đổi sữa sẽ làm thay đổi môi trường vi sinh đường ruột, ảnh hưởng đến tiêu hoá hấp thu sữa và thậm chí các loại thức ăn khác.
Vậy khi nào thì nên thay đổi sữa cho trẻ?
Đổi sữa để phù hợp với độ tuổi của trẻ
Ở mỗi giai đoạn, trẻ lại có những nhu cầu về dinh dưỡng và sự phát triển khác nhau mà mỗi loại sữa lại cung cấp dinh dưỡng theo từng quá trình phát triển khác nhau cụ thể của bé. Chính vì vậy, việc thay đổi sữa để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng giúp bé phát triển tốt nhất cũng là điều cần thiết.
Đổi sữa khi bé bị tiêu chảy
Nếu trẻ bị tiêu chảy khi uống sữa thì rất có thể cơ địa của trẻ không phù hợp với loại sữa đang dùng. Một nguyên nhân khác có thể kể đến là do mẹ lựa chọn loại sữa không phù hợp với độ tuổi của con khiến cơ thể bé khó hấp thu. Do đó, mẹ có thể cân nhắc đến việc đổi sữa cho bé.
Đổi sữa khi trẻ bị táo bón
Thông thường, trong thành phần sữa công thức, có 2 loại là đạm whey và casein. Trong sữa mẹ tỷ lệ đạm whey là 80% và casein là 20%, trong khi đó một số sữa công thức có tỷ lệ đạm whey thấp hơn 80%. Điều này khiến cho trẻ có hệ tiêu hóa kém khó tiêu hóa và dễ bị táo bón hơn.
Đổi sữa để tăng cường miễn dịch cho trẻ
Ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch vẫn chưa hoàn thiện, số lượng kháng thể ít nên chưa đủ khả năng bảo vệ bé khỏi các yếu tố gây bệnh ngoài môi trường. Vì vậy, việc hỗ trợ miễn dịch, tăng cường kháng thể giúp bé có một cơ thể khỏe mạnh là điều cực kỳ quan trọng.
Khi trẻ thường xuyên ốm vặt, thường xuyên mắc các chứng như sốt, ho, đau họng, cảm cúm, rối loạn tiêu hóa…. Các bé sẽ có biểu hiện đi kèm là biếng ăn, bỏ ăn, quấy khóc, cơ thể mệt mỏi, sụt cân… Đó chính là lúc mẹ cần cân nhắc việc cho bé đổi sang sử dụng sữa non có tăng cường các yếu tố miễn dịch.
Bao lâu thì đổi được sữa cho bé?
Lưu ý khi đổi sữa cho bé, mẹ cần chú ý xem bé có phản ứng với sữa không. Thời gian ít nhất là sau 2 tuần uống sữa thì mẹ mới biết được con có hợp với loại sữa đó hay không. Nếu trẻ bắt đầu xuất hiện các phản ứng vừa kể trên thì mẹ cần đổi sữa cho trẻ.
Tuy nhiên, với các trường hợp trẻ còn quá nhỏ hoặc không xuất hiện các triệu chứng phản ứng thì mẹ không nên đổi sữa cho trẻ quá thường xuyên. Bởi cơ thể trẻ sơ sinh rất nhạy cảm và cần có thời gian đủ dài để thích nghi với một loại sữa bột nào đó. Việc đổi sữa liên tục cho bé sẽ khiến hệ tiêu hóa của trẻ bị rối loạn.
Mẹ cần lưu ý gì khi đổi sữa cho trẻ?
Sữa phải phù hợp với độ tuổi của trẻ
– Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi: Mẹ chọn cho bé sữa công thức 1 với lượng đạm phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ, tuy nhiên sau thời gian cho bé sử dụng nếu thấy bé có hiện tượng bị táo bón, tiêu chảy, sống phân hay bị ọc sữa, không tăng cân thì các mẹ có thể đổi sữa nhãn hiệu khác nhưng nhất định vẫn phải thuộc nhóm công thức 1.
– Đối với trẻ sau 6 tháng tuổi: Mẹ nên đổi sữa sang cho bé dùng sữa công thức 2, vì lúc này cơ thể bé có nhu cầu về đạm nhiều hơn mà lượng đạm trong sữa công thức 2 cũng cao hơn sữa công thức 1. Tiếp theo sau đó là sữa công thức 3, 4 thay đổi tương ứng tùy theo số tuổi của bé.
Không thay đổi sữa thường xuyên
Mỗi loại sữa sẽ tạo ra một hệ vi sinh đường ruột khác nhau, vì vậy nếu mẹ thay đổi sữa liên tục sẽ làm thay đổi các hệ vi sinh đó, ảnh hưởng vấn đề tiêu hóa hấp thu sữa và các loại thức ăn khác.
Khi đổi sữa cho bé, mẹ cần chú ý xem bé có phản ứng với sữa không như là bị táo bón, hay nôn trớ… Thời gian ít nhất sau 2 tuần uống sữa thì mẹ mới biết được con có hợp với loại sữa đó hay không.
Tập cho bé làm quen dần với sữa mới
Khi đổi sữa thì cần có giai đoạn chuyển tiếp để bé thích nghi với sữa mới cũng như kiểm tra xem sữa mới có phù hợp với bé hay không: Ví dụ, nếu một ngày bé uống 3 cữ sữa, mẹ có thể thay bằng 2 cữ sữa cũ và 1 cữ sữa mới. Sau khoảng 3-4 hôm, mẹ có thể thay bằng 1 cữ cũ và 2 cữ mới. Sau 1 tuần, mẹ có thể thay thế hoàn toàn loại sữa mới cho bé.
Pha sữa phải đúng công thức
Khi mua sữa thì phải xem hạn dùng và pha sữa đúng theo tỷ lệ hướng dẫn ghi trên vỏ hộp, chỉ nên dùng nước để pha (nước đun sôi để nguội bớt) không được dùng nước sôi hoặc đun sôi sữa vì sẽ làm mất hoặc hao hụt các vitamin và khoáng chất có trong sữa. Không pha quá loãng hoặc quá đặc vì ít hơn liều lượng khuyến nghị thì không đảm bảo dinh dưỡng. Nhiều hơn thì dễ gây đầy bụng, khó tiêu, không hấp thu vì hàm lượng dinh dưỡng quá mức.