Chế độ ăn cho người bị xơ gan

24/12/2022
Share

Một người bị bệnh gan có thể không nhận đủ năng lượng từ thức ăn, dẫn tới suy dinh dưỡng, giảm cân, teo cơ nhưng tình trạng này có thể điều chỉnh được với chế độ ăn uống phù hợp. Với những người bị bệnh xơ gan, điều quan trọng là cần duy trì chế độ ăn uống tốt để phục hồi chức năng gan.

Trong giai đoạn đầu của bệnh xơ gan, chế độ ăn kiêng đặc biệt không cần thiết mà nên ăn uống cân bằng và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nên ăn tất cả các nhóm thực phẩm đa dạng bao gồm gạo, ngũ cốc, trái cây và rau quả, các loại đậu và thịt nạc. Mỗi nhóm thực phẩm đều cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng thiết yếu, vì vậy, nên ăn đầy đủ, đặc biệt là protein như đậu và thịt. Trước khi đi ngủ, nên ăn nhẹ để tránh hạ đường huyết ban đêm.

Trong giai đoạn xơ gan tiến triển hơn thì cần có chế độ ăn kiêng đặc biệt. Các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, mệt, phù chân, bụng to do cổ trướng (bụng có nước), … sẽ xuất hiện thường xuyên khiến người bệnh khó chịu. Việc ăn uống sẽ trở nên khó khăn, đặc biệt khi ăn thức ăn nhiều đạm (protein), vì vậy, cơ thể không được cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết. Chế độ ăn uống không đầy đủ kèm theo sự suy giảm chức năng gan gây sự suy dinh dưỡng và teo cơ (nhất là ở cánh tay, quanh vai, ngực và lưng). Vì vậy, khi đang ở giai đoạn này của xơ gan, người bệnh cần sự tư vấn từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Chế độ ăn cho người bị xơ gan

Chế độ ăn giàu đạm: Nếu được tư vấn một chế độ giàu protein, thực phẩm nên có trong các bữa ăn bao gồm: thịt lợn, thịt gia cầm, hải sản, trứng, sữa, sữa chua, pho-mai, các loại hạt, đỗ, các loại đậu và sản phẩm từ đậu nành. Các bác sĩ có thể đề nghị bạn bổ sung protein đặc biệt như acid amin chuỗi nhánh BCAA (branched-chain amino acids) dưới dạng các chế phẩm chuyên biệt cho gan.

Chế độ ăn ít muối: Nếu bác sĩ tư vấn chế độ ăn ít muối thì không nên thêm muối vào các món ăn thường ngày và cũng nên tránh các thức ăn hoặc thực phẩm chế biến nhiều muối và gia vị như cà muối, dưa muối,…. Chế độ ăn nhiều muối sẽ làm cơ thể giữ nhiều nước, gây phù và dịch sẽ tích lũy trong bụng.

Nước uống: Hầu hết người xơ gan không cần hạn chế uống nước, trừ khi lượng natri của cơ thể ở mức dưới 125mmol/L. Thường bác sĩ sẽ yêu cầu hạn chế uống nước hàng ngày khi xơ gan tiến triển. Kể cả khi hạn chế nước, lượng nước tối thiểu hàng ngày bạn uống vẫn phải đạt 800- 1000ml.

Chế độ nhiều bữa nhỏ: Hầu hết những người mắc bệnh gan đang tiến triển nên ăn nhiều bữa nhỏ mỗi ngày, nhất là khi đã có tình trạng chán ăn và ăn ít. Bệnh nhân có thể ăn 6- 8 bữa ăn nhỏ mỗi ngày và có 1 bữa ăn nhẹ gồm ít đạm và carbohydrate (đường phức) như cơm, bún, miến, khoai… trước khi đi ngủ. Nên nhớ là không bỏ ăn quá 7- 8 tiếng.

Bên cạnh đó, thay đổi lối sống đóng một vai trò quan trọng trong làm chậm tiến triển bệnh xơ gan và tăng cường sức khỏe tổng thể. Bệnh nhân xơ gan cần tích cực:

Duy trì trọng lượng khỏe mạnh: Một số dạng bệnh gan bao gồm xơ gan liên quan đến sự tích tụ chất béo.

Giảm nguy cơ bị viêm gan: Không dùng chung kim tiêm, đảm bảo rằng bạn đã chủng ngừa viêm gan B và C đồng thời phải nhận thức được nguy cơ viêm gan khi đi du lịch nước ngoài.

Tránh nhiễm khuẩn: Xơ gan làm giảm sức đề kháng chống lại tình trạng nhiễm trùng. Tránh những người bị bệnh lây nhiễm và rửa tay thường xuyên.

Không hút thuốc lá: Các thành phần có trong khói thuốc lá chất độc cho gan.

Tránh các hành vi tình dục nguy hiểm: Tránh có nhiều bạn tình và quan hệ tình dục không được bảo vệ vì có thể làm tăng nguy cơ viêm gan do virut và các bệnh nhiễm trùng khác.

Quản lý tốt các chỉ số sức khỏe khác: Kiểm soát huyết áp, cholesterol và đường máu bởi vì tất cả các rối loạn các chỉ số vừa nêu đều có thể gây hại cho gan.

Tránh các loại thuốc có hại: Chú ý tránh các thuốc được chuyển hóa qua gan vì một số loại thuốc có thể làm nặng tình trạng bệnh gan đang sẵn có.

Hãy để lại lời nhắn cho chúng tôi theo thông tin bên dưới

    Vui lòng để lại lời nhắn/câu hỏi tại đây, chúng tôi sẽ trả lời bạn trong vòng 48 giờ (trừ thứ 7, CN và ngày lễ). Cám ơn bạn đã quan tâm đến Mama sữa non!