Bệnh loãng xương – Sát thủ thầm lặng

16/12/2022
Share

Loãng xương là một trong những bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Điều nguy hiểm của căn bệnh này là diễn biến rất âm thầm trong nhiều năm và người bệnh chỉ biết mình bị bệnh khi đã gặp các biến chứng. Các hậu quả do bệnh loãng xương gây ra như gãy xương, nứt xương, lún đốt sống,… thường rất nặng nề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.

Loãng xương là gì?

Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương , đặc trưng bởi sự giảm mật độ xương và chất lượng xương, xương bị giảm sức mạnh, trở nên yếu, giòn, chỉ cần ngã hoặc một va chạm nhẹ cũng có thể dẫn tới gãy xương.

Gãy xương do loãng xương có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào. Trong đó, thường gặp là gãy xương cột sống, xương đùi và xương cẳng tay. Một số xương khi bị gãy sẽ không có khả năng lành lại như xương cột sống và xương đùi. Các trường hợp này thường phải điều trị phẫu thuật với chi phí tốn kém.

Bệnh thường tiến triển âm thầm. Người bệnh có thể cảm thấy đau mỏi không rõ ràng, chiều cao giảm dần, cột sống gù vẹo. Đây là những triệu chứng chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Một số trường hợp chỉ phát hiện bệnh khi đã có các dấu hiệu gãy xương.

Tuổi càng cao, tình trạng xốp xương sẽ càng tiến triển nặng hơn. Vì càng lớn tuổi, quá trình chuyển hóa xương có nhiều biến đổi gây ra các rối loạn trong quá trình tạo xương và hủy xương, dẫn tới giảm mật độ xương.

Dấu hiệu của bệnh loãng xương

Quá trình loãng xương diễn ra âm thầm trong thời gian khá dài với tình trạng giảm mật độ  xương và từ 50 tuổi trở đi thì triệu chứng đau mới xuất hiện, chủ yếu ở cột sống lưng, vùng mấu háng hay thắt lưng. Các biểu hiện thường gặp của bệnh loãng xương thường:

+ Đau xương: Người bệnh loãng xương thường xuyên đau nhức ở các đầu xương, đau nhức mỏi dọc ở các xương dài, có cảm giác đau như bị châm chích toàn thân, những cơn đau sẽ xảy ra nặng hơn về đêm và nghỉ ngơi cũng không làm cho triệu chứng này thuyên giảm.

+ Đau cột sống: Các dấu hiệu đau như thắt ngang cột sống, hoặc sang một bên hoặc hai bên mạn sườn do các rễ thần kinh liên sườn bị kích thích và dẫn đến đau. Ngoài ra, đau cột sống còn kèm theo những triệu chứng như co cơ, cứng khớp, co rút cơ khi thay đổi tư thế, thuyên giảm khi nghỉ ngơi

+ Cảm giác tê bì chân tay, có thể gây mất cảm giác

+ Gù vẹo cột sống, giảm chiều cao: Đây là triệu chứng cơ bản ở bệnh loãng xương. Khi lớn tuổi xuất hiện dấu hiệu gù vẹo cột sống và giảm chiều cao so với lúc trẻ, do các đốt sống bị lún, xẹp hoặc bị gãy lún.

+ Các triệu chứng toàn thân: người bệnh có cảm giác lạnh hoặc ớn lạnh, thường xuyên bị chuột rút, đổ mồ hôi bất thường, sụt cân, vã mồ hôi, các khớp thường xuyên có dấu hiệu kêu ‘lục cục’

loãng xương ở người cao tuổi

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh loãng xương

Biến chứng của loãng xương được đánh giá nguy hiểm không kém nhồi máu cơ tim và đột quỵ với khả năng gây tử vong và thương tật vĩnh viễn cao.

Sau đây là một số biến chứng điển hình nhất của bệnh loãng xương:

Gãy xương

Đây là biến chứng hàng đầu của bệnh loãng xương, để lại tàn tật vĩnh viễn cho 50% bệnh nhân và tăng khoảng 20% nguy cơ tử vong sau năm đầu tiên.

Loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ xương, khiến xương trở nên yếu giòn, dễ gãy hơn. Chỉ cần một cú va chạm nhẹ, thậm chí cúi gập người, ho hoặc hắt hơi cũng có thể gây gãy xương.

Gãy xương cột sống hoặc gãy xương hông là những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh loãng xương. Bên cạnh đó, một số vị trí chịu lực khác của cơ thể cũng rất dễ gãy như xương đùi, xương cổ tay,… Khả năng hồi phục khi bị gãy ở những vị trí này là rất khó, kèm theo đó là nguy cơ bị tàn tật suốt đời và tử vong là rất cao.

Đồng thời, người từng bị gãy xương do loãng xương cũng rất dễ bị tái gãy xương về sau.

Xẹp lún cột sống

Bệnh loãng xương còn nguy hiểm ở chỗ làm lún xẹp đốt sống cho khoảng 3% người bệnh. Người bệnh chỉ cần vác vật nặng, không cẩn thận té ngã hay hắt hơi thôi cũng có thể dẫn đến lún xẹp đốt sống. Trên thực tế, biến chứng lún xẹp đốt sống do loãng xương có tỷ lệ tử vong thấp nhưng lại có nguy cơ cao gây tàn phế vĩnh viễn.

Lún xẹp cột sống khiến các rễ dây thần kinh bị chèn ép, dẫn đến tình trạng đau kéo dài. Nếu số lượng đốt sống bị tổn thương nhiều còn có thể đẩy nhanh tốc độ thoái hóa cột sống.

Bên cạnh đó, biến dạng cột sống do tình trạng lún xẹp cũng rất phổ biến. Cột sống suy yếu đến mức biến dạng, dẫn đến đau lưng kéo dài, giảm chiều cao, gây gù lưng hay còng lưng, thậm chí, gãy xương cột sống xảy ra ngay cả khi không có té ngã hay va chạm gì quá mạnh.

Ngoài ra, nếu loãng xương làm biến dạng đốt sống ngực cũng có thể dẫn đến biến dạng lồng ngực và nặng hơn là gây khó thở nghiêm trọng.

Giảm khả năng vận động

Một biến chứng nguy hiểm khác của loãng xương là làm giảm khả năng vận động của bệnh nhân. Nhiều trường hợp, người bị loãng xương có thể bị tàn phế suốt đời, làm giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt là ở người cao tuổi.

Theo thống kê, khoảng 30% ca gãy xương hông do loãng xương cần đến sự chăm sóc dài hạn. Người bị gãy xương do loãng xương có thể phải nằm bất động một chỗ, mọi sinh hoạt bình thường phải phụ thuộc vào người chăm sóc. Bên cạnh đó, việc nằm bất động trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến các biến chứng khác như hoại tử da, viêm phổi, tắc mạch chi,…

Hãy để lại lời nhắn cho chúng tôi theo thông tin bên dưới

    Vui lòng để lại lời nhắn/câu hỏi tại đây, chúng tôi sẽ trả lời bạn trong vòng 48 giờ (trừ thứ 7, CN và ngày lễ). Cám ơn bạn đã quan tâm đến Mama sữa non!