Tại sao người cao tuổi dễ bị táo bón?

16/12/2022
Share

Táo bón là tình trạng chung xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, tình trạng này xảy ra phổ biến nhất ở những người cao tuổi. Theo một nghiên cứu, có tới 1/3 người từ 60 tuổi trở lên than phiền về tình trạng táo bón đang ảnh hưởng tới cuộc sống của họ.

Như thế nào thì được gọi là táo bón?

Từ nhỏ tới lớn chúng ta đã không ít lần trải qua tình trạng bị táo bón, và chúng ta thường định nghĩa, táo bón là tình trạng khó đi ngoài và thường thì vài ngày mới đi đại tiện được 1 lần.

Tuy nhiên trong thực tế thì có những người vẫn đều đặn 2-3 ngày mới đại tiện 1 lần và điều này hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của họ.

Vậy không nhất thiết phải ngày nào cũng đi đại tiện một lần mới được coi là bình thường. Nói tóm lại, táo bón là tình trạng quá 3 ngày chưa đi đại tiện hoặc 1 tuần đi cầu dưới 3 lần, kèm theo các triệu chứng đau quặn bụng, phân rắn hoặc khô cứng, khó đi cầu.  Ngoài ra, táo bón cũng được xác định khi người bệnh đi ngoài nhiều lần trong ngày nhưng đi không hết, phân cứng, lắt nhắt.

Nguyên nhân gây ra táo bón ở người cao tuổi

Quá trình hấp thụ thức ăn sẽ theo hành trình là thức ăn sau khi được co bóp, nhào nặn và nghiền nát tại dạ dày sẽ nhờ các chất enzyme tại đây đưa xuống ruột non. Ruột non có chức năng hấp thụ các chất dinh dưỡng từ lượng thức ăn được đưa xuống này.

Sau đó các chất cặn bã còn lại sẽ được tống xuống ruột già. Tại đây ruột già sẽ hấp thu nốt chút dinh dưỡng còn lại trong thức ăn và sau đó tạo phân, ruột già có nhiệm vụ đóng phân thành khuôn.

Theo quá trình bình thường, sự co bóp trong của thành ruột sẽ tạo ra lực và nhẹ nhàng đẩy khối phân lên phía trước, hoạt động này được gọi là nhu động ruột. Trong lúc này, thành ruột sẽ hấp thu nước có chứa trong phân và để lại một lượng nước vừa đủ để phân được tạo thành khuôn và được đẩy ra ngoài dễ dàng khi phân tới trực tràng và hậu môn.

Theo đó táo bón xảy ra khi có một nguyên nhân nào đó khiến việc phân di chuyển chậm lại khiến thành ruột rút cạn nước trong phân và khiến phân bị rắn lại khi bị đẩy tới hậu môn quá trình thải phân ra rất khó khăn. Hoặc bản thân phân đã thiếu nước do một số nguyên nhân khác.

Bệnh táo bón ở người già có thể xảy ra do tác động của nhiều nguyên nhân, trong đó điển hình là:

Hệ tiêu hóa bị suy giảm do tuổi tác

Tuổi càng cao, quá trình lão hóa diễn ra càng mạnh mẽ, khiến cho hệ tiêu hóa hoạt động kém. Lúc này, nhu động ruột giảm đi khiến cho phân di chuyển bên trong ruột diễn ra chậm, khi đến hậu môn phân thường khô cứng và khó đào thải ra ngoài. Từ đó, gây ra tình trạng táo bón phổ biến.

Chế độ dinh dưỡng không phù hợp

Đây là nguyên nhân phổ biến khiến cho người già bị táo bón. Nhiều người có thói quen ít ăn rau xanh, hoa quả tươi hoặc kiêng khem quá mức do đang điều trị bệnh nào đó. Hay ăn ít hoặc chán không muốn ăn khiến cho chất cặn bã ít, phân ít không tạo ra được sự phản xạ co bóp đại tràng dẫn đến táo bón.

Ngoài ra, không ít người cao tuổi có sở thích ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo như: bơ, sữa, đường tinh luyện, thức ăn cay, nóng… cũng là nguyên nhân dẫn tới táo bón.

Do uống ít nước

Hiện tượng này thường gặp ở hầu hết người cao tuổi, nhất là những người có bệnh lý ở hệ thống thận tiết niệu hoặc các người cao tuổi bị các bệnh mạn tính như suy tim phải hạn chế nước nhưng cũng có thể do bệnh nhân bị mắc chứng tiểu đêm, bị u xơ tiền liệt tuyến nên hạn chế uống nước để đỡ đi tiểu tiện. Uống ít nước cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng táo bón.

Người cao tuổi ít vận động

Vận động, thể dục thể thao thường xuyên có tác dụng tăng nhu động ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Trong khi đó, người già thường ít hoạt động thể chất bởi rất nhiều lý do như tình trạng sức khỏe không đảm bảo, bị mắc các bệnh mạn tính như thoái hóa, viêm khớp, loãng xương; các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường; các bệnh hô hấp mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,… Việc giảm hoạt động thể chất dẫn tới giảm nhu động ruột, giảm bài tiết dịch ruột gây táo bón. Ngoài ra, ở người cao tuổi còn có thói quen nhịn đại tiện, khiến cho phân khô cứng, ảnh hưởng tới việc đi cầu.

Tác dụng phụ của thuốc tây

Một số loại thuốc có kèm tác dụng phụ gây ra táo bón như thuốc an thần, giảm đau, thuốc chống co thắt, thuốc điều trị bệnh Parkinson, thuốc dành cho người trầm cảm, thuốc hạ huyết áp, thuốc trị đau dạ dày, thuốc ho có chứa codeine,…

Do bệnh lý

Bệnh điển hình gây ra táo bón là bệnh trĩ: Khi bị trĩ, bệnh nhân thường có xu hướng nhịn đi đại tiện vì sợ đau và chảy máu. Khi nhịn đại tiện lâu và nhiều lần sẽ gây ra tình trạng giảm phản xạ đại tiện dẫn đến tích trữ phân nên sẽ bị táo bón. Khi càng bị táo bón, việc đại tiện càng đau và càng dễ chảy máu, kết quả là bệnh nhân càng nhịn đi đại tiện thì táo bón ngày càng tiến triển thành vòng luẩn quẩn.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân cần hết sức lưu tâm khi người già bị táo bón đó là các tổn thương thực thể ở ống tiêu hóa hoặc cơ quan lân cận, nhất là bệnh lý ung thư đại trực tràng hoặc do một số tổn thương khác làm chít hẹp lòng đại tràng.

 

Hãy để lại lời nhắn cho chúng tôi theo thông tin bên dưới

    Vui lòng để lại lời nhắn/câu hỏi tại đây, chúng tôi sẽ trả lời bạn trong vòng 48 giờ (trừ thứ 7, CN và ngày lễ). Cám ơn bạn đã quan tâm đến Mama sữa non!