Táo bón lâu ngày có nguy hiểm không và cách phòng chống

16/12/2022
Share

Táo bón là bệnh phổ biến ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở những người cao tuổi. Bệnh tưởng chừng đơn giản, nhưng nó vẫn gây ra những tác hại nhất định cho cơ thể, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi khó chịu, cản trở trong công việc hàng ngày, làm chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng. Bệnh sẽ trở lên nghiêm trọng hơn nếu để tình trạng bệnh kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần. Vậy thì táo bón lâu ngày sẽ gây nguy hiểm như thế nào?

Những tác hại của táo bón lâu ngày

Táo bón là tình trạng phân rắn, vón cục, không chứa hoặc chứa rất ít nước, khi đi ngoài gây đau đớn, có thể gây chảy máu hậu môn hoặc thậm chí không thể đẩy ra ngoài. Đi kèm với tình trạng khó khăn khi đi đại tiện này, táo bón còn gây ra những cơn đau quặn bụng, khó chịu hàng ngày.

Người bị táo bón lâu ngày thường đi đại tiện dưới 3 lần mỗi tuần. Phân tích tụ quá lâu trong đại tràng nên bị hút hết nước, kết hợp với cơ thể nạp thiếu chất xơ, thiếu nước là những nguyên nhân gây tình trạng này.

Nhiều người bệnh chủ quan với táo bón lâu ngày, song tình trạng này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Táo bón lâu ngày dẫn tới bệnh trĩ

Khi bị táo bón, việc đi ngoài trở nên khó khăn hơn, bạn phải rặn nhiều hơn mới có thể tống phân ra ngoài. Việc rặn quá mức này dần khiến cho các tĩnh mạch hậu môn và quanh trực tràng giãn ra, đôi khi bật cả máu tươi. Đến mức độ nào đó, các tĩnh mạch này sẽ sưng lên hình thành các búi trĩ.

Búi trĩ có thể hình thành ở bất cứ đâu, bên trong hoặc da bên ngoài hậu môn hoặc sâu trong trực tràng. Người bệnh sẽ có cảm giác đau, ngứa, chảy máu khi đi vệ sinh. Hậu môn trực tràng lại là nơi có độ ẩm cao, điều kiện vệ sinh không tốt kết hợp với tổn thương búi trĩ có thể dẫn tới nhiễm trùng, dính da, cục máu đông.

Trĩ nhẹ có thể điều trị bằng thuốc kết hợp với biện pháp chăm sóc, nhưng các trường hợp nặng phải can thiệp phẫu thuật để thu nhỏ hoặc cắt bỏ búi trĩ. Vì thế, ngăn ngừa táo bón lâu ngày giúp hạn chế nguy cơ tiến triển bệnh trĩ.

Biến chứng của táo bón lâu ngày – nứt hậu môn

Nứt hay rò hậu môn là hiện tượng xuất hiện một vết rách nhỏ trên mô lót hậu môn. Mô này có thể bị rách khi bạn đi ngoài phân cứng hoặc rặn trong quá trình đi ngoài, cả hai nguyên nhân đều thường gặp ở những người bị táo bón. Tổn thương này sẽ gây đau, ngứa, chảy máu, khiến người bệnh càng khó khăn và đau đớn khi đi vệ sinh, tình trạng táo bón càng trầm trọng hơn.

Người cao tuổi bị táo bón dễ gặp phải biến chứng nứt hậu môn này do niêm mạc da mỏng, dễ tổn thương. Khi nứt hậu môn xảy ra, đau đớn lại khiến không dám đi vệ sinh, táo bón càng nặng hơn. Có thể quan sát được vết nứt hậu môn với một đường rách nhìn thấy, xung quanh sưng tấy, cảm giác đau khi sờ vào, xuất hiện máu tươi trong giấy vệ sinh hoặc lẫn trong phân.

Để ngăn ngừa biến chứng này, cần điều trị giảm tình trạng táo bón kéo dài, cũng như hạn chế rặn quá mức khi đi tiêu.

Táo bón lâu ngày dẫn đến ứ phân

Một tác hại khác khi đề cập đến tác hại của việc táo bón lâu ngày là tình trạng ứ phân. Khi không thể tống phân ra khỏi cơ thể, phân trong ruột có thể bắt đầu dính lại với nhau tạo thành khối cứng bị kẹt và gây tắc nghẽn. Lúc này ruột kết không thể co bóp để đẩy phân ra khỏi cơ thể vì phân quá lớn và cứng. Ứ phân có thể gây đau và nôn mửa, thậm chí có thể phải điều trị cấp cứu.

Ứ phân có thể nhận biết thông qua các triệu chứng: đau bụng, chuột rút bụng sau khi ăn, cảm giác khó chịu, chướng bụng, ăn mất ngon, nôn mửa, buồn nôn, đau đầu,… Đặc biệt khi dấu hiệu này xuất hiện sau một thời gian dài bạn bị táo bón, không thể đi ngoài hoặc đi ngoài với lượng rất nhỏ.

Nếu không được điều trị, ứ phân có thể gây ra vết rách ở thành ruột kết dẫn đến nhiễm trùng đe dọa tính mạng.

Biến chứng sa trực tràng do táo bón lâu ngày

Trực tràng là phần cuối cùng của ruột già, nơi chứa phân để nối đến hậu môn. Táo bón khiến người bệnh thường xuyên rặn mạnh để đẩy phân ra ngoài, dần có thể khiến một phần hoặc toàn bộ trực tràng bị sa xuống, trượt ra khỏi vị trí bình thường và có thể ra cả ngoài cơ thể.

Sa trực tràng gây triệu chứng khá giống với bệnh trĩ khi đều gây phình lớn vùng ngoài hậu môn, tuy nhiên biến chứng thường nguy hiểm hơn, đau đớn cũng nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng nhận biết sa trực tràng gồm: cảm giác ngứa, kích ứng và đau thường xuyên xung quanh hậu môn, chảy máu tươi lẫn với phân, rò rỉ phân,…

Làm sao để phòng ngừa táo bón?

Để tránh các tác hại của táo bón, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

Tăng cường tập luyện thể dục

Đây là hoạt động giúp tăng nhu động ruột, chức năng của ruột được xoa bóp, và giúp phục hồi chức năng tiêu hóa của ruột một cách hiệu quả. Các hoạt động như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội để có thể giúp bạn cải thiện đáng kể tình trạng bệnh.

Tạo thói quen đi vệ sinh

Việc tạo thói quen đi vệ sinh là rất quan trọng, giúp cơ thể tạo đồng hồ sinh học cho việc đi đại tiện. Bạn nên cố gắng hình thành thói quen đi đại tiện, tốt nhất nên đi vào buổi sáng sau khi ngủ dậy (5 – 7h), là thời điểm thải độc tốt nhất của ruột.

Xem lại thuốc điều trị đang sử dụng

Nếu bạn đang mắc các bệnh lý khác cần sử dụng thuốc điều trị, nhưng thuốc đó lại gây nên tác dụng phụ là táo bón, thì bạn cần liên hệ ngay tới bác sĩ. Bạn cần nhận được tư vấn của bác sĩ điều trị về tác dụng phụ của thuốc, có thể thay thế thuốc khác hoặc có cách khắc phục nào phù hợp nhất.

Tăng lượng chất xơ

Chế độ ăn giàu chất xơ giúp tiêu hóa tốt và tăng nhu động ruột. Ngoài ra còn giúp dự phòng một số bệnh khác như hội chứng ruột kích thích, bệnh trĩ…Những thực phẩm chứa nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, hạt lanh, rau xanh, táo, lê, cam, quýt, trái cây sấy khô, cây họ đậu…

Hạn chế thực phẩm giàu chất béo

Việc tiêu thụ những thực phẩm giàu chất béo không chỉ ảnh hưởng đến các bệnh chuyển hóa mà còn gây táo bón, đặc biệt là những thực phẩm như xúc xích, bánh pizza, bánh mì kẹp thịt…

Nên ăn đúng giờ

Để tránh các vấn đề về tiêu hóa, nên ăn đúng giờ, đặc biệt các bữa ăn chính như bữa trưa, bữa tối.

Uống nhiều nước

Uống nhiều nước (khoảng 6 – 8 ly nước/ngày) là thói quen tốt dự phòng táo bón và đầy bụng. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Thay vào đó, bạn nên uống nhiều ngụm, mỗi lần uống nước không quá 400ml.

Uống nhiều nước cùng với khẩu phần ăn có nhiều chất xơ giúp ruột lưu thông tốt, phân mềm và dễ bài tiết ra ngoài.

 

Hãy để lại lời nhắn cho chúng tôi theo thông tin bên dưới

    Vui lòng để lại lời nhắn/câu hỏi tại đây, chúng tôi sẽ trả lời bạn trong vòng 48 giờ (trừ thứ 7, CN và ngày lễ). Cám ơn bạn đã quan tâm đến Mama sữa non!